Người theo dõi

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Tại sao bài báo khoa học bị từ chối?


Bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng có ít nhất một lần ngậm ngùi thấy bài báo hay công trình nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố.  Đứng trước một quyết định như thế của tập san, phản ứng đầu tiên mà nhà khoa học có là câu hỏi “tại sao”: tại sao họ từ chối công trình tuyệt vời này của tôi?  Ngạc nhiên thay, rất ít nghiên cứu về lí do từ chối bài báo khoa học!  Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có vài phân tích về vấn đề này, và bài viết này có mục tiêu cung cấp cho bạn đọc một vài nguyên nhân từ chối bài báo khoa học.
Ở các nước tiên tiến và phần lớn các đang phát triển (có lẽ ngoại trừ Việt Nam), bài báo khoa học là một viên gạch lót đường cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp của một nhà khoa học, là một đơn vị tiền tệ cực kì quan trọng cho việc xin được tài trợ cho nghiên cứu, và là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường năng suất khoa học của một quốc gia.  Do đó, có những nước, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc, chi ra hàng tỉ đôla để nâng cao sự có mặt của họ trên trường quốc tế qua hoạt động công bố ấn phẩm khoa học.
Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học.  Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu, và trong vài trường hợp cần thiết, bằng sáng chế được đăng kí ở đâu.  Xin nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta không có kiểu “nghiệm thu” như ở Việt Nam để đánh giá sự thành bại của một công trình nghiên cứu khoa học.
Qui trình xuất bản
Qui trình để xuất bản một bài báo khoa học cũng khá đơn giản.  Đầu tiên là tác giả (hay thường là nhóm tác giả) soạn bài báo khoa học, sau đó họ chọn một tập san để gửi gấm “đứa con tinh thần” của mình.  Ban biên tập tập san khi nhận được sẽ xem qua một cách nhanh chóng, và nếu thấy chưa đạt yêu cầu sẽ gửi trả lại cho tác giả trong vòng 1 tuần; nếu thấy đạt yêu cầu và có tiềm năng, họ sẽ gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt (reviewers hay referees).  Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho tổng biên tập của tập san, với những đề nghị như (a) cho công bố không cần sửa; (b) cho công bố những cần sửa chút ít; (c) cho công bố nhưng sửa nhiều hay viết lại; (d) từ chối.  Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì bài báo sẽ bị từ chối.  Nếu 2 chuyên gia đề nghị chấp nhận cho công bố và 1 người không chấp nhận, thì ban biên tập sẽ gửi cho một chuyên gia khác bình duyệt tiếp.  Điều cần nói là các chuyên gia này biết tác giả là ai (qua bản thảo bài báo), nhưng tác giả không biết 3 chuyên gia này là ai.  Thời gian bình duyệt của các chuyên gia có thể kéo dài từ 2 tuần đến 6 tháng (tùy theo bộ môn khoa học).
Nếu các chuyên gia đề nghị phải sửa lại thì tổng biên tập gửi lại cho tác giả với toàn bộ báo cáo của các chuyên gia.  Tác giả có trách nhiệm phải sửa từng điểm một trong bài báo, hay làm thêm thí nghiệm, thêm phân tích, v.v… để đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia bình duyệt.  Bản thảo thứ hai lại được gửi cho ban biên tập, và qui trình bình duyệt lần thứ 2 lại được khởi động.  Nếu các chuyên gia thấy tác giả chưa đáp ứng yêu cầu, bài báo có thể bị từ chối.  Nếu các chuyên gia thấy tác giả đã đáp ứng tất cả những đề nghị thì họ có thể sẽ đồng ý cho công bố bài báo.  Nếu được chấp nhận, bài báo sẽ được gửi cho biên tập viên của nhà xuất bản, và họ sẽ có người chuyên lo phần ngôn ngữ để biên tập bài báo.  Thật ra, phần lớn bài báo chẳng có gì phải sửa về tiếng Anh, nhưng vì các nhà xuất bản muốn tiết kiệm giấy, nên nhiệm vụ của biên tập viên là tìm mọi cách, mọi nơi để giảm số chữ.  Chẳng hạn như những danh xưng, bằng cấp, chức danh, v.v… của tác giả có tập san có chính sách cắt bỏ hết vì họ cho rằng tốn giấy.  Họ sẽ xem xét đến biểu đồ và bảng số liệu xem có gì trùng hợp không để cắt bỏ khỏi bài báo.  Những biên tập viên này cực kì giỏi về viết lách và rất kinh nghiệm trong việc trình bày một bài báo khoa học sao cho gọn nhẹ mà nội dung vẫn đầy đủ.
Như là một qui luật, phần lớn các bài những khoa học nộp cho tập san khoa học bị từ chối không cho công bố ngay từ giai đoạn bình duyệt, thậm chí ngay từ giai đoạn trước khi gửi bài báo ra ngoài bình duyệt.  Tỉ lệ từ chối dao động lớn giữa các tập san.  Tập san càng uy tín chừng nào, tỉ lệ từ chối càng cao chừng ấy.  Uy tín ở đây được đo lường bằng hệ số impact factor (IF).  Tập san có ảnh hưởng lớn thường có hệ số cao.  Những tập san lâu đời và có ảnh hưởng lớn trong khoa học như Science (IF 30), Nature (IF 31), Cell (31.3), hay trong y khoa như New England Journal of Medicine (52.6), Lancet (28.6), JAMA (25.6), mỗi năm nhận được khoảng 6000 đến 8000 bài báo khoa học, nhưng tỉ lệ từ chối lên đến 90% hoặc 95%.  Ngược lại, những tập san nhỏ và chuyên ngành thường có hệ số impact factor thấp, và tỉ lệ từ chối chỉ khoảng 50% đến 60%.  Những tập san địa phương có vẻ dễ dải hơn, với tỉ lệ từ chối chỉ 20 hay 30%.
Lí do từ chối?
Nhưng tại sao các tập san có “thói quen” từ chối công bố các công trình nghiên cứu của đồng nghiệp?  Đây là một câu hỏi chính đáng, nhưng rất khó có câu trả lời, vì trong quá khứ rất ít nghiên cứu tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến từ chối một bài báo khoa học.  Tuy nhiên, một cuộc điều tra gần đây cung cấp cho chúng ta một vài dữ liệu thú vị và quan trọng.  Trong cuộc điều tra này, tác giả gửi 83 câu hỏi đến đến 25 nhà khoa học từng chiếm giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học.  Nhưng chỉ có khoảng 25% trong số này trả lời tất cả những câu hỏi, và kết quả phân tích cho thấy như sau.
Khi được hỏi khuyết điểm nào phổ biến nhất để từ chối ngay một bài báo khoa học, thì có 3 lí do chính sau đây: 71% là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề, 14% do diễn giải kết quả nghiên cứu sai, và 14% là do đề tài nghiên cứu không quan trọng.
Một bài báo thường được viết theo cấu trúc IMRAD (tức là có phần dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và bàn luận).  Khi được hỏi phần nào thường phạm phải sai lầm nhiều nhất thì câu trả lời là 55% ở phần phương pháp,  24% phần bàn luận, và 21% phần kết quả.  Trong 4 phần của một bài báo, phần nào là nguyên nhân dẫn đến từ chối bài báo?  Phân tích kết quả cho thấy khoảng phân nủa là phần phương pháp (52%), kế đến là phần kết quả (28%), và phần bàn luận (21%).
Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp.  Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai.  Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi).  Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.
Trong phần phân tích chi tiết về các lí do từ chối, tác giả còn cung cấp một số dữ liệu quan trọng trong phần diễn giải kết quả, tầm quan trọng của nghiên cứu, khiếm khuyết trong cách trình bày kết quả nghiên cứu, và viết văn.  Về diễn giải kết quả nghiên cứu, có đến 61% các tác giả diễn giải hay kết luận không nhất quán với dữ liệu, và phần còn lại là dữ liệu không có tính thuyết phục cao (25%) hay còn quá sơ khởi (7%).
Bảng 1.  Lí do từ chối bài báo khoa học

Lí do từ chối

Phần trăm
Khiếm khuyết trong diễn giải kết quả
  • Kết luận không nhất quán với dữ liệu
  • Dữ liệu không “mạnh”
  • Dữ liệu còn quá sơ khởi
  • Bằng chứng về ảnh hưởng thiếu tính thuyết phục

61
25
7
7
Nội dung của công trình nghiên cứu
  • Thiếu cái mới
  • Thiếu tính ứng dụng
  • Chủ đề quá hẹp

79
13
8
Khiếm khuyết trong trình bày
  • Trình bày dữ liệu không đầy đủ
  • Mâu thuẫn trong dữ liệu
  • Không cung cấp đầy đủ chi tiết về phương pháp
  • Bỏ sót dữ liệu quan trọng
  • Viết dở

32
25
25
7
7
Viết và trình bày
  • Viết nhiều chữ nhưng ít ý
  • Ý tưởng không khúc chiếc
  • Thừa
  • Câu văn quá trừu tượng
  • Câu văn phức tạp không cần thiết

43
21
11
4
4

Nguồn: Byrne D. Common reasons for rejecting manuscripts at medical journals: a survey of editors and peer reviewers. Science Editor 2000; 23:39-44
Về nội dung, thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80%  bài báo bị từ chối vì lí do này).  Thiếu tứng ứng dụng (13%) cũng là một lí do để từ chối, nhưng không quan trọng bằng thiếu cái mới, tuy quan trọng hơn lí do vì chủ đề nghiên cứu quá hẹp (8%). Về trình bày dữ liệu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiếtt về phương pháp nghiên cứu (25%). Về cách viết, các tổng biên tập và chuyên gia bình duyệt có vẻ không ưa cách viết lách quá nhiều chữ nhưng ít ý tưởng và đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bài báo bị từ chối (43%).  Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiếc (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.
Địa phương chủ nghĩa?
Phần lớn các tập san khoa học — dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu — mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới.  Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.
Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine, JAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ.  Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%.  Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%.  Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ.  Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.
Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ.  Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, impact factor ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật).  Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%).  Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập san Circulation Researchbị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.
Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2).  Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%).  Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước.  Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%.  Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố.  Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%.  Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.
Bảng 2Số lượng bài báo nộp và tỉ lệ chấp nhận cho công bố trong thời gian 2003 – 2005 trên tập san American Journal of Roentgenology
NướcSố lượng bài báo nộpTỉ lệ chấp nhận (%)
225272
Nhật57858
Hàn Quốc45765
Đức26368
Canada19861
Thổ Nhĩ Kì18942
Anh17468
Pháp15362
Ý15259
Đài Loan13146
Trung Quốc12358
Thụy Sĩ11075
Áo9473
Tây Ban Nha9064
Ấn Độ7927
Hà Lan7370
Do Thái6662
Úc6055
Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007;188:W113-6
Các nhà nghiên cứu phân chia các nguyên nhân từ chối thành 6 nhóm: nhómI liên quan đến thiếu cái mới hay dữ liệu không có ích; nhóm II liên quan đến những khuyết điểm về phương pháp và logic; nhóm III, khuyết điểm về phân tích dữ liệu; nhóm IV, vấn đề ngôn ngữ; nhóm V, chuyên gia bình duyệt không thích; và nhóm VI, không thích hợp cho tập san.
Khi phân tích lí do từ chối theo từng nhóm và nước (Bảng 3) chúng ta thấy phần lớn (60%) bài báo bị từ chối là thuộc vào nhóm I, tiếp đến là nhóm II (17%), nhóm III (7%), nhóm IV (3.5%), nhóm V (8%), và nhóm VI (4.4%).
Phân tích lí do từ chối, chúng ta thấy rõ ràng có sự khác biệt giữa các nước.  Đối với những nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Thụy Sĩ, Đài Loan, Ý, Ấn Độ, và Do Thái, lí do từ chối lớn nhất ở các nước là nhóm I, tức thiếu cái mới trong nghiên cứu.  Nói cách khác, các nước này có xu hướng làm những công trình nghiên cứu –nói theo tiếng Anh là – “me too” (tức chỉ lặp lại những gì các nước khác đã làm mà phương pháp, kết quả và cách diễn giải hoàn toàn không có gì mới.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số những bài báo từ Đức và Áo bị từ chối, có đến 33-40% là do những sai sót về phương pháp và lí luận!  Riêng những nghiên cứu từ Trung Quốc thì trong số bài báo bị từ chối, 52% là do thiếu cái mới, 17% do vấn đề tiếng Anh, 14% là do khuyết điểm trong phương pháp nghiên cứu là logic, và 6% do phân tích dữ liệu sai.
Bảng 3Lí do từ chối công bố trên tập san American Journal of Roentgenology(trong thời gian 2003 – 2005)
NướcLí do từ chối (tính %)
IIIIIIIVVVI
60177294
Nhật51226785
Hàn Quốc70136225
Đức46337157
Canada5613135103
Thổ Nhĩ Kì6995772
Anh57217455
Pháp64911556
Ý7385652
Đài Loan68744161
Trung Quốc521461784
Thụy Sĩ681800114
Áo444012040
Tây Ban Nha501396613
Ấn Độ7422995
Hà Lan59990149
Do Thái7644484
Úc5615701111

Lí do: nhóm I, thiếu cái mới hay dữ liệu không có ích; II, khuyết điểm về phương pháp và logic; III, khuyết điểm về phân tích dữ liệu; IV, vấn đề ngôn ngữ; V, chuyên gia bình duyệt không thích; VI, không thích hợp cho tập san.
Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007;188:W113-6
Vài nhận xét
Những dữ liệu trên đây cung cấp cho chúng ta một bức tranh tương đối toàn diện về tình hình công bố quốc tế đối với các nhà khoa học trong ngành y sinh học.  Có thể tóm tắt các dữ liệu trên đây qua 3 điểm chính như sau:
  • trong tất cả các nguyên nhân từ chối công bố quốc tế, gần 2/3 là do khuyết điểm trong khâu thiết kế nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu;
  • những khuyết điểm này thường tập trung vào 2 khía cạnh chính: thiếu cái mới và lí luận logic;
  • bài bào từ Mĩ và các nước nói tiếng Anh có tỉ lệ từ chối thấp hơn bài báo từ các nước không nói tiếng Anh;
Tuy nhiên, những phân tích trên đây cũng có vài hạn chế.  Thứ nhất là các dữ liệu được thu thập từ các tổng biên tập, nhà khoa học và tập san trong lĩnh vực y sinh học; do đó có thể chưa phản ảnh đúng tình trạng thực tế trong các lĩnh vực khoa học khác như kĩ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.  Thứ hai là dữ liệu từ một tập san nhỏ (hay chỉ có 25% nhà nghiên cứu trả lời) nên chắc chắn ngay cả trong lĩnh vực y sinh học cũng chưa phản ảnh đúng thực trạng, dù bức tranh chung thì chắc cũng khá đầy đủ.
                              rejection letter cartoons, rejection letter cartoon, rejection   letter picture, rejection letter pictures, rejection letter image,   rejection letter images, rejection letter illustration, rejection letter   illustrations
Nếu những dữ liệu và phân tích trên đây cung cấp cho giới khoa học, nhất là trong lĩnh vực y sinh học, vài kinh nghiệm, tôi nghĩ đến những khía cạnh sau đây.  Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới.  Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu.  Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z.  Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.
Thứ hai là cần chú trọng đến khâu thiết kế nghiên cứu và phương pháp phân tích.  Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng.  Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao.  Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình “nghiên cứu cắt ngang” (cross-sectional study).  Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao.  Chẳng hạn như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao.  Một nghiên cứu với thiết kế và phương pháp chưa đạt thì xác suất bị từ chối rất cao.
Thứ ba là cần thạo tiếng Anh.  Phần lớn các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh.  Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học.  Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh.  Ngay cả những người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, họ cũng rất khó viết nổi một bài báo khoa học.  Ngay cả những người viết được thì xác suất sai sót về cú pháp, cách diễn đạt rất cao.  Có thể nói không ngoa rằng không một bài báo y khoa nào được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh!  Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh.  Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc trao dồi tiếng Anh trong giới khoa học, và tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh.  Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao.  Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.
Đối với giới làm nghiên cứu khoa học, chuyện vui buồn trong công bố công trình nghiên cứu xảy ra thường xuyên.  Có nhiều khi bài báo sau khi qua nhiều sửa đổi được chấp nhận cho công bố, và dĩ nhiên đó là một tin mừng.  Nếu tập san có hệ số impact factor cao thì tác giả có khi tổ chức tiệc ăn mừng.  Mừng vì công trình của mình được công bố trên một tập san lớn, và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp quốc tế. Nhưng hầu như bất cứ ai làm việc trong nghiên cứu khoa học đều phải trải qua nhiều lần khi mà bài báo nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố.  Đối với những nghiên cứu sinh lần đầu nhận được lá thư của tổng biên tập thông báo cho biết bài báo không được chấp nhận cho công bố là một bản tin sốc.  Có khi sốc đến cao độ.  Có khi buồn chán.  Trong bối cảnh buồn chán đó, nhà khoa học có kinh nghiệm thường phải tỏ ra bình tĩnh để xem xét lại nguyên nhân bài báo bị từ chối.  Cần phải biến sự việc tiêu cực (bị từ chối) thành một cơ hội lí tưởng để tự vấn.  Trong quá trình tự vấn này, một số câu hỏi thông thường cần đặt ra:
  • Tựa đề bài báo có phù hợp với dữ liệu nghiên cứu?
  • Kết quả nghiên cứu có nhất quán với những lí giải trong phần bàn luận?
  • Có phải lí giải trong bài báo là lí giải duy nhất, hay còn một lí giải, một cách diễn giải nào khác?
  • Có cần thu thập thêm dữ liệu?
  • Có cần một phương pháp phân tích khác tốt hơn?
  • Kết quả có ý nghĩa thống kê và ý nghĩa thực tiễn?
  • Kết quả nghiên cứu đã được trình bày một cách logic, mạch lạc, và rõ ràng?
  • Tiếng Anh đã trao chuốt chưa?
Trả lời được những câu hỏi tự vấn trên chắc chắn sẽ có hiệu quả cải tiến bài báo một cách đáng kể.  Cố nhiên, khi bài báo bị từ chối thì điều đó không có nghĩa là công trình chấm dứt ở đó, mà chúng ta vẫn có quyền khiếu nại, hay trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể chỉnh sửa và nộp cho một tập san khác.  Tuy nhiên, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, những lí do từ chối được mô tả trong bài viết này là những kinh nghiệm quí báu để chúng ta tự đánh giá và chuẩn bị cho nhiều nghiên cứu sau tốt hơn.
NVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét