Tựa của luận văn
Tựa cần đầy đủ nội dung cụ thể và đặc trưng của báo cáo, tránh đưa ra một tựa quá chung chung (ví dụ: tựa "Lai tạo giống lúa kháng sâu bệnh" là quá rộng. Đây là công việc mà IRRI sau 35 năm nghiên cứu vẫn chưa có giải đáp). Cũng không nên đưa ra tựa quá dài. Tránh chữ viết tắt, kí hiệu, công thức hóa học hoặc hàm số.
Cấu trúc tựa luận văn nên đơn giản, nhưng cần chú ý đến trật tự các chữ trong câu. Không nên đưa ra những tựa dễ gây hiểu lầm. Ví dụ: nếu chỉ nghiên cứu về liều lượng phân bón cho cây bông vải trên vùng đất xám không tưới thì tựa "Nghiên cứu, thử nghiệm một số giải pháp cho việc trồng bông trên đất xấu" là không phù hợp. Tựa này có thể viết lại: "Xác định lượng phân bón thích hợp cho cây bông vải trên vùng đất xám không tưới miền Đông Nam Bộ".
Không nên tùy tiện viết tắt trong tựa đề luận văn. Tựa và tên tác giả được trình bày ở kiểu chữ in. Tựa nên sắp xếp theo dạng tháp ngược.
Tóm tắt
Đối với luận văn cuối khóa, tóm tắt không vượt quá 400 từ. Nội dung bao gồm:
- Tên tác giả, tên trường, thời gian báo cáo luận văn, tựa của luận văn, tên của giáo viên hướng dẫn chính.
- Nêu các mục tiêu chính và nội dung nghiên cứu.
- Phương pháp nghiên cứu (kiểu bố trí, lần lặp lại, các nghiệm thức).
- Tóm lược kết quả đạt được.
- Những kết luận chủ yếu.
Nội dung tóm tắt cần đủ thông tin, cần cô đọng, rõ để người đọc có thể nắm được những thông tin chính của luận văn; phần tóm tắt không chứa bảng biểu, đồ thị hay hình ảnh, cũng không ghi lời cảm ơn, giới hạn nghiên cứu, các trích dẫn, các thảo luận và đề nghị.
Mục lục, danh sách các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh
Mục lục, danh sách các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh cần rõ ràng, đầy đủ, có ghi số trang bắt đầu của các tiểu mục hay trang có chứa các bảng biểu, đồ thị hay hình ảnh đó.
Danh sách các chữ viết tắt, ý nghĩa các đơn vị, … dùng trong luận văn cũng được liệt kê chi tiết, đầy đủ.
Giới thiệu
Có nhiều cách viết và bố cục chương Giới thiệu, tuy nhiên cần đảm bảo các nội dung:
- Tính cấp thiết của đề tài
- Cơ sở tiến hành và ý nghĩa của nghiên cứu.
- Mục tiêu, yêu cầu của nghiên cứu.
- Nội dung, giới hạn nghiên cứu (nếu có).
Tổng quan tài liệu
Tổng quan tài liệu có thể bao gồm: các nội dung liên quan đến nghiên cứu; các nội dung giúp giải thích rõ hơn các vấn đề liên quan đến nghiên cứu (các khái niệm, lý thuyết...); hoặc các nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề đang nghiên cứu, hoặc có liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu. Những thông tin cơ bản về các phần mềm thống kê sẽ được dùng để xử lý số liệu cũng có thể được trình bày ngắn gọn ở đây. Các quy trình (phân tích, canh tác...) không nên trình bày ở phần này.
Các trích dẫn trong phần tổng quan tài liệu cần có nguồn gốc rõ ràng và chính xác. Các trích dẫn phải có đủ tên tác giả, năm xuất bản (thí dụ: Smith (1989) hoặc Jones và Johnson (1987); đối với các trường hợp có từ 3 tác giả trở lên thì chỉ ghi người đầu: Smith và ctv. (1990). Lưu ý, trong luận văn, không dùng ký hiệu ‘&’ thay cho từ ‘và’.
Trong trường hợp báo cáo của nhiều tác giả, hay nhiều báo cáo của cùng một tác giả trong nhiều thời điểm khác nhau thì phải liệt kê đầy đủ các tác giả hoặc năm theo thứ tự thời gian giảm dần và phân biệt nhau bằng dấu chấm phẩy. Ví dụ: Có nhiều mô hình thủy canh… (Mahbub và ctv, 1975; Kraazt, 1974). Có nhiều mô hình thủy canh… (Mahbub và ctv, 1975; 1974).
Nếu trích dẫn lại từ một trích dẫn khác mà không tìm được tài liệu gốc thì phải ghi rõ. Tuy nhiên nên hạn chế cách trích dẫn này. Ví dụ: Wilson (1992) cho rằng… (trích dẫn bởi Trần Thanh A, 1996).
Cần có kết luận sơ bộ ở cuối chương này nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa nghiên cứu hiện nay của tác giả.
Phương tiện và phương pháp nghiên cứu
- Cần ghi rõ thời gian, địa điểm thực hiện nghiên cứu.
- Xác định đối tượng nghiên cứu; vật liệu thí nghiệm, điều kiện thí nghiệm.
- Trình bày rõ kiểu thí nghiệm, cách bố trí thí nghiệm, quy cách khu thí nghiệm. Trường hợp cần thiết phải trình bày sơ đồ bố trí thí nghiệm thì cần thể hiện rõ phương hướng của khu thí nghiện và các hướng biến thiên chính trong sơ đồ. Đối với các kiểu thí nghiệm phổ biến (như kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên) thì không cần trình bày sơ đồ bố trí thí nghiệm ở đây mà nên trình bày ở phần tham khảo.
- Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi: chỉ ghi những chỉ tiêu cần thiết cho phần kết quả thảo luận. Cần xác định thật chi tiết và rõ ràng phương pháp theo dõi từng chỉ tiêu.
Trong trường hợp nghiên cứu sử dụng phương pháp (nghiên cứu hoặc theo dõi chỉ tiêu) mới, hoặc ít phổ biến, hoặc do tác giả tự xây dựng thì cần mô tả chi tiết phương pháp ở phần phụ lục.
Kết quả thảo luận
- Phần kết quả: trình bày các kết quả đã đạt được trong nghiên cứu.
- Phần thảo luận: có thể là giải thích kết quả, phân tích kết quả, so sánh kết quả nghiên cứu với các kết quả khác.
a. Nguyên tắc sử dụng các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh để trình bày số liệu
- Bảng biểu: dùng để trình bày số liệu theo hàng, cột; dùng để chỉ tần suất xuất hiện, tỷ lệ phần trăm.
- Đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh: dùng để trình bày số liệu trong các mối tương quan khác.
- Bảng biểu, đồ thị, biểu đồ, hình ảnh minh họa phải mang thông tin tương đối độc lập, vẫn có thể được hiểu đầy đủ và chính xác nếu tách ra khỏi luận văn. Nếu không có lý do xác đáng, không nên sử dụng đồng thời bảng số liệu và đồ thị/biểu đồ cho cùng một kết quả.
Bảng biểu, đồ thị, sơ đồ và hình ảnh phải được trình bày ngay sau khi nội dung có liên quan đến nó được đề cập lần đầu tiên (trừ trường hợp chỗ không đủ phải sang trang kế); không nên trình bày bảng biểu và đồ thị ở cuối trang in; nên trình bày bảng trong một trang, ngoại trừ trường hợp bảng quá dài. Cần lưu ý, nội dung của bảng biểu, đồi thị, hình ảnh minh họa phải bổ sung cho nhau và không được trùng với nhau và trùng với phần viết.
Tương tự, bảng biểu phải được đi theo ngay sau tên bảng biểu, không để tên bảng biểu ở cuối trang, cón bảng biểu thì ở trang khác.
Tên bảng biểu được trình bày phía trên bảng, còn tên đồ thị, sơ đồ, hình ảnh được ghi phía dưới đồ thị, sơ đồ, hình ảnh. Đánh số bảng biểu và đồ thị/biểu đồ theo từng chương (thí dụ: bảng 4.2 có nghĩa là bảng số 2 trong chương 4). Về cách trình bày, chữ “Bảng 4.2” được tô đậm (bold), phần tên bảng được trình bày ở chế độ bình thường sau dấu hai chấm (:) (quy cách này cũng được áp dụng cho tên đồ thị, biểu đồ, hình ảnh). Phần tên (bảng biểu, đồ thị...) phải đảm bảo nội dung của bảng biểu, đồ thị... cùng với các cần thiết khác (như đơn vị chẳng hạn). Nều cần giải thích nhiều nội dung thì nên sử dụng thêm ghi chú ngay sau bảng biểu, đồ thị...
Về cỡ chữ, tốt nhất vẫn dùng một cỡ chữ chung cho toàn luận văn. Trong trường hợp bảng lớn quá, có thể thay đổi (giảm) cỡ chữ trong bảng nhỏ lại, nhưng cũng không được nhỏ hơn 10.
Không đóng khung bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh. Riêng trong bảng biểu, chỉ kẻ đường ngang, không kẻ các đường đứng; không có cột số thứ tự (STT), ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ. Có thể sử dụng các dòng trắng để phân biệt các cụm biến riêng biệt.
Đồ thị, biểu đồ phải đơn giản, rõ ràng; không nên có quá nhiều đường, chỉ nên trình bày tối đa bốn (4) đường biểu diễn trên 1 biểu đồ/đồ thị. Các đường biểu diễn phải phân biệt nhau. Không nên sử dụng các kiểu đồ thị khối ba chiều khi không cần thiết.
Các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ ở gốc phải (cạnh lề phải) ngay sau bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, hình ảnh. Ví dụ (nguồn: Trạm Khí tượng Tân Sơn Nhất, 2002). Nguồn được trích dẫn này phải được liệt kê đầy đủ, chính xác trong danh mục tài liệu tham khảo.
Nên dùng bảng hẹp và dài (dễ phù hợp hơn bảng rộng và ngang).
Đối với các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ có kích thước lớn hơn chiều ngang của khổ giấy A4 (rộng hơn 210 mm) thì gấp giấy như minh họa ở hình 4.1 sao cho tên của bảng biểu, đồ thị được nhìn thấy ngay mà không cần mở rộng tờ giấy; ngoài ra cũng cần lưu ý không đóng gáy hay xén mất các mép gấp của giấy. Nên hạn chế sử dụng các bảng quá lớn.
Trong mọi trường hợp, lề bao quanh văn bản và bảng biểu, đồ thị, sơ đồ, … phải thống nhất như quy định trong phần II của hướng dẫn này.
Đối với những trang có chiều dài lớn hơn 297 mm (như bản đồ, bản vẽ…) thì có thể để trong một phong bì cứng đính kèm trong bìa sau của luận văn.
Hình vẽ, sơ đồ trong luận văn phải sạch sẽ, dễ hiểu. Hình chụp phải rõ, nét, phản ánh được nội dung cần minh họa.
Khi đề cập đến bảng biểu, đồ thị, hình ảnh, … thì phải nêu rõ số của nó. Ví dụ: “… được trành bày trong bảng 4.2” hoặc “(xem sơ đồ 4.2)”; không viết … “được nêu trong bảng dưới đây”.
Các phương trình toán học có thể được trình bày trên một hàng hay nhiều hàng tùy ý, nhưng phải thống nhất trong toàn luận văn. Hiện nay xu hướng chung là viết trên một hàng. Lưu ý cần giải thích rõ các ký hiệu và đơn vị của các đại lượng trong phương trình. Nếu có nhiều phương trình thì cũng phải đánh số và có danh sách các phương trình ở phần đầu luận văn.
b.Viết tắt, viết số
Không lạm dụng viết tắt trong luận văn. Chỉ nên viết tắt những từ, cụm từ phổ biến hoặc được lập lại nhiều lần trong luận văn.
Nếu cần viết tắt tên của các thuật ngữ, cơ quan, tổ chức, … thì được viết tắt nếu sau lần viết đầy đủ đầu tiên có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu trong luận văn có nhiều chữ viết tắt thì cần có danh sách các chữ viết tắt (theo thứ tự ABC).
Không lạm dụng việc viết số trong luận văn; không viết số ngay từ đầu dòng. Khi trình bày các số liệu phải kèm theo đơn vị.
c. Cách trích dẫn tài liệu tham khảo
Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tích chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục tài liệu tham khảo của luận văn. Không trích dẫn những kiến thức phổ biến mà mọi người đều biết.
Cần lưu ý, không làm mất tập trung của người đọc, hoặc làm luận văn trở nên nặng nề, vụn vặt với những trích dẫn tham khảo không cần thiết.
Các trích dẫn phải được trích từ tài liệu gốc. Trong trường hợp không tiếp cận được với tài liệu gốc, mà chỉ trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời không nêu tên tài liệu gốc trong phần tài liệu tham khảo.
Có hai cách trích dẫn: trích dẫn trực tiếp (nguyên văn) hay trích dẫn ý chính. Khi cần trích dẫn nguyên văn một đoạn ngắn hơn hai câu hay bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dầu ngoặc kép (“…”) để mở đầu và kết thúc trích dẫn. Nếu phần trích dẫn dài hơn thì nên tách ra thành một đoạn riêng với lề trái lùi vào thêm 2 cm và khi đó, không cần dùng dấu ngoặc kép để bắt đầu và kết thúc trích dẫn.
Khi trích dẫn ý chính thì không cần sử dụng ngoặc kép.
Có hai cách ghi nguồn gốc của trích dẫn: ghi trực tiếp tên tác giả hay đánh số theo thứ tự trong danh mục tài liệu tham khảo. Có thể chọn một trong hai cách tùy ý, nhưng phải thống nhất trong toàn luận văn.
Kết luận - đề nghị
Kết luận phải khẳng định những kết quả đã được, những đóng góp mới. Kết luận cần ngắn gọn, không có lời bình, giải thích. Chỉ kết luận những vấn đề mà tác giả đã thực hiện và được thể hiện rõ trong luận văn.
Phần đề nghị phải xuất phát từ nội dung nghiên cứu; đề nghị phải cụ thể, rõ ràng, thiết thực và có tính khả thi.
Tài liệu tham khảo
Danh mục tài liệu tham khảo phải bao gồm tất cả các công trình có liên quan đã được trích dẫn trong luận văn. Các chi tiết về tài liệu tham khảo phải đầy đủ, rõ ràng và chính xác để độc giả, nếu có quan tâm, có thể tìm được tài liệu gốc.
Trình bày tài liệu tiếng Việt và ngoại văn riêng (theo từng ngôn ngữ riêng), liệt kê danh mục các tài liệu tiếng Việt trước. Nếu tài liệu đã được dịch ra tiếng Việt, thì được liệt kê trong phần tiếng Việt; còn dù tác giả là người Việt Nam , nhưng tài liệu được xuất bản bằng tiếng nước ngoài thì phải liệt kê tài liệu ở phần tiếng nước ngoài. Phải giữ nguyên văn các tài liệu nước ngoài, không được phiên âm, dịch. Không nên đánh số thứ tự tài liệu tham khảo, trừ trường hợp nêu nguồn bằng cách đánh số.
Tài liệu tham khảo nên xếp theo vần ABC của tên tác giả.
+ Tác giả là người nước ngoài: xếp thứ tự ABC theo họ.
+ Tác giả là người Việt Nam : xếp thứ tự ABC theo tên, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự họ tên thông thường của ngưới Việt Nam , không đảo tên lên trước họ.
+ Trường hợp tài liệu không có tên tác giả cụ thể thì xếp theo thứ tự ABC của từ đầu của tên cơ quan ban hành bài báo hay ấn phẩm. Ví dụ: Tổng cục thống kê được xếp vào vần T.
+ Các thông tin lấy từ internet, từ các mạng thông tin chuyên ngành, không rõ tác giả thì ghi rõ địa chỉ của website (trường hợp biết tên tác giả thì phân loại theo tên tác giả như hướng dẫn).
- Nếu tài liệu tham khảo là bài báo đăng trên tạp chí khoa học thì phải ghi đủ theo mẫu: TÊN TÁC GIẢ (năm xuất bản/công bố), “tên bài báo”, “tên tạp chí/sách”, tập (số volume), số trang có bài báo.
- Nếu tài liệu tham khảo là sách thì cần ghi rõ theo mẫu: TÊN TÁC GIẢ (năm xuất bản), “tên sách”, nhà xuất bản, nơi xuất bản. Tổng số trang của cuốn sách, trang sách được trích dẫn.
- Nếu tài liệu tham khảo chỉ là một chương trong quyển sách thì cần ghi rõ tên tác giả, tên chương, tên sách, tên tác giả hiệu đính, nhà xuất bản.
- Nếu tài liệu tham khảo là Tập san báo cáo hội nghị khoa học thì cần ghi rõ số trang, tên tác giả hiệu đính, tựa, ngày và địa điểm, tên hội nghị.
- Nếu tài liệu tham khảo là Luận văn cuối khóa, luận án thì phải mở ngoặc ghi: chưa xuất bản.
Nếu các thông tin về một tài liệu tham khảo dài hơn một dòng thì từ dòng thứ hai trở đi, lề trái được tăng thêm khoảng 1 cm.
Phụ lục
Phần phụ lục bao gồm những nội dung cần thiết để minh họa rõ hơn cho phần chính của luận văn, nhất là phần kết quả thảo luận; có thể bao gồm: các kết quả chi tiết của phân tích thồng kê số liệu, các sơ đồ, quy trình có sử dụng trong nghiên cứu, hoặc một số các hình ảnh, biểu mẫu phiếu điều tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét