Anh Cao Đình Hùng - nghiên cứu sinh ở Úc - vừa nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất hạt nhân tạo “Kiểu mới" (“New Type" synthetic seed) mang tính đột phá trong việc nhân giống loại cây gỗ cứng nhiệt đới.
Theo giáo sư Stephen Trueman thuộc khoa Khoa học thực vật tại University of Sunshine Coast (USC - Úc), kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp lẫn môi trường, mở ra trang sử mới trong việc sản xuất các giống cây trồng. Bước đột phá này đã giải quyết được vấn đề tái sinh cây mà các phương pháp nhân bản vô tính thực vật đang gặp khó khăn hoặc không hiệu quả hoặc khó ứng dụng vào thực tế do lúc nào cũng phải thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các ưu điểm của việc nhân bản vô tính thực vật bằng hạt nhân tạo "Kiểu mới" là ứng dụng vào thực tế dễ dàng, thiết lập các cánh rừng mới một cách hiệu quả, đồng thời có thể chuyển giao sản phẩm đến tận tay người nông dân.
Cơ hội phát triển trong nước
Theo anh Hùng, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp xuất khẩu đồ trang trí nội thất làm bằng gỗ và hơn 800 cơ sở chế biến các sản phẩm từ gỗ, nhưng đều phải phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu. Dự báo tổng sản lượng gỗ lâm nghiệp ở nước ta sẽ đạt 44,3 triệu m3 vào năm 2020, hướng tới xuất khẩu gỗ đạt kim ngạch 4 tỉ USD. Vì vậy, nhu cầu chuyển giao công nghệ để đưa giống cây bạch đàn lai năng suất cao trồng ở Việt Nam sẽ vô cùng có lợi cho sự phát triển của lĩnh vực lâm nghiệp và kinh tế.
Đây là công trình khoa học mang tính đột phá trong 30 năm qua, kể từ những năm 1977-1982, khi ý tưởng về sản xuất hạt nhân tạo ra đời. Với phát hiện này, theo USC, ABC News và Sunshine Coast Daily, anh đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới vinh danh.
Đề tài Nghiên cứu sản xuất và cải thiện các giống cây trồng quý hiếm được anh đầu tư từ khi còn học thạc sĩ. Cao Đình Hùng cho biết: “Cây gụ cho gỗ quý hơn cả cây bạch đàn và có thể được dùng để chữa nhiều bệnh như ung thư, sốt rét, tiêu chảy và lị. Loại cây này có thể trồng ở Việt Nam và có giá trị bảo vệ rừng, chống xói mòn, cung cấp gỗ để xây dựng, làm giấy, nhiên liệu hay lá cung cấp tinh dầu... Tuy nhiên, do nhiều người chưa biết những giá trị của nó nên ở Việt Nam chỉ mới được trồng rải rác mà thôi”. Với phương pháp mới, anh dùng các hạt giống tổng hợp/nhân tạo để nhân giống cây bạch đàn, cây gụ. Quá trình xử lý bao gồm cấy chồi cây con vào một hạt làm bằng gel. Sau một thời gian nuôi dưỡng và xử lý trong phòng thí nghiệm, hạt gel này sẽ phát triển chồi, rễ và có thể tự phát triển trong các vườn ươm.
Anh cho biết nếu áp dụng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam thì sẽ làm giảm áp lực rừng tự nhiên và giúp cân bằng sinh thái. Ước tính trong khoảng 4-5 năm (từ khi trồng cây con) là có thể phủ xanh đất trống đồi trọc, và trong vòng 8-10 năm là có thể thu hoạch được gỗ. Cách đây 1 tháng, anh đã gửi hạt nhân tạo đến vườn ươm ở các đồn điền ở phía bắc Queensland trồng để lấy gỗ cho ngành xây dựng.
Sinh năm 1974, Cao Đình Hùng tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Huế với tấm bằng loại giỏi. Cách đây hơn 7 năm, anh nhận được học bổng của Chính phủ Úc (AusAID) học thạc sĩ tại Sydney. Tốt nghiệp thạc sĩ tại trường ĐH Công nghệ Sydney với hạng "First Class" (hạng ưu) kèm theo những công bố khoa học trên tạp chí In vitro-Plants về vi nhân giống và chiết tách thành công chất allyl isothiocyanate chữa bệnh ung thư ở cây dược liệu wasabi, anh được rất nhiều trường danh tiếng ở Anh mời làm tiến sĩ nhưng anh quyết định ở lại Úc để tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu của mình sâu hơn.
(Báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét