Người theo dõi

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Làm theo công thức

Việc đặt tựa đề đề cương nghiên cứu ở Việt Nam là một đề tài cần bàn đến. Hôm nọ khi còn ở dưới quê, nằm võng đọc bài báo “Viết văn theo công thức” trên Thanh Niên (28/12/2010) thấy có vài điều liên quan đến chuyện đặt tựa đề đề cương khoa học, nên tôi có cảm hứng viết entry này …
Bài báo trên Thanh Niên có đoạn viết “Với đầu đề Tả ngôi trường thân yêu của em, một học sinh lớp 6 đã viết, đại để: Trường xem xinh tươi lắm, không khí trong lành, sân trường có nhiều cây xanh, bóng mát, ghế đá, trông đẹp như công viên … Nhưng sau đó em học sinh này bất ngờ … đổi hướng: ‘Nhưng nói vậy mà không phải vậy.’  Và, em viết như sau: ‘Một số thầy cô trường em dữ lắm, chúng em hở một tí là bị quát mắng, bạt tai. Chuyện học trò đánh nhau thường xảy ra. Vậy mà gọi là trường học thân thiện’.”

Bài văn này được giáo viên bộ môn cho điểm 0 vì lí do “lạc đề, xúc phạm thầy cô giáo”.  Nhưng giáo viên chủ nhiệm thì công nhận em học sinh đã phản ảnh đúng thực trạng của trường.
Nhìn qua vài kịch phim trên đài truyền hình gần đây tôi cũng có cảm nhận rằng tình trạng học trò đánh nhau ở trường học chắc xảy ra khá thường xuyên.  Ở dưới quê tôi, những câu chuyện về học sinh đeo gươm, mả tấu, lưỡi hái, dao, búa … đi đánh lộn và hành hung thầy cô được người dân nhắc đến nhiều lần.  Chẳng nói đâu xa, ngay hôm Noel vừa qua, vị linh mục nhà thờ ở quê tôi cũng không dám làm lễ rình rang như trước đây vì nghe tin hai nhóm học sinh có kế hoạch thanh toán nhau trong đêm Noel.  Học sinh ngày nay quả là đáng sợ!  Trong tình hình như thế thì làm sao có thể gọi là nhà trường thân thiện được. Đó là một phần của cuộc sống đa chiều. Theo tôi, mô tả hiện thực theo cái nhìn và cảm nhận cá nhân của học sinh là điều nên khuyến khích.

Tại sao không ghi nhận phản ảnh của em học sinh, mà lại phạt em bằng điểm 0?  Thật là khó hiểu.  Một thực tế hiện nay là học sinh cũng như giáo viên đã quá quen với những câu văn mẫu.  Đó là những câu văn sáo ngữ, như khi nói đến quê hương thì lúc nào cũng kèm theo cái nghèo, đất nước thì “rừng vàng biển bạc”, ông bà thì lúc nào cũng “lưng còng”, dòng sông thì lúc nào cũng thơ mộng, v.v…. Đó là những mĩ từ rỗng tếch, mà có khi chính học sinh cũng chẳng hiểu hay không tin vào những gì mình viết ra.  Có lẽ giáo viên đã quá quen thuộc với những câu văn như thế, nên khi gặp một bài văn thuộc vào dạng “deviant” hay “outlier” liền cho điểm 0.  Nhưng gò ép học sinh vào công thức là vô tình bóp chết tính sáng tạo của học sinh, và có thể nói là một hành động phản giáo dục và phản khoa học.

Chuyện nọ xọ chuyện kia.  Trong hội thảo về “Getting papers published in academic journals” ở Hà Nội (14/12/2010) có một bạn hỏi tôi rằng ở nước ngoài người ta có qui định tựa đề đề cương nghiên cứu khoa học hay không.  Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng chợt nhớ ra trước đây cũng có lần nói đến chuyện này.  Tôi trả lời một cách không ngần ngại là “không”.  Lặp lại để nhấn mạnh: không có qui định nào về cách đặt tựa đề cho đề cương nghiên cứu cả. Nếu có thì tôi chắc chắn rằng giới khoa học sẽ ôm bụng cười chết đi được!

Hôm qua, nhân dịp trò chuyện với một đồng nghiệp, anh cho biết thêm rằng ở Việt Nam quả thật có văn bản qui định cụ thể về đặt tựa đề nghiên cứu.  Theo qui định này, tựa đề phải có động từ, phải có địa điểm nghiên cứu, phải có thời gian, thậm chí đối tượng nghiên cứu (như độ tuổi nào).  Chẳng hạn như có những tựa đề dài lòng thòng như “Bước đầu nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh ABC hạng nhẹ trên phụ nữ tuổi từ 20 đến 45 tại huyện KL tỉnh XY vào năm 2007”.  Rất rất nhiều đề cương nghiên cứu có tựa đề theo công thức trên.  Đây đúng là một cách làm theo công thức.  Đây cũng chính là lí do tại sao rất nhiều đề tài nghiên cứu có tựa đề giống nhau, giống nhau đến nhàm chán.

Không hiểu vì lí do gì mà người ta sáng tạo ra công thức này.  Tại sao phải có động từ?  Tại sao phải cần đến địa điểm nghiên cứu và thời gian nghiên cứu?  Cũng chẳng hiểu tại sao người ta có nhiều thì giờ suy nghĩ ra một qui định có thể nói là lạ lùng và quái gở như thế!  Lạ lùng là vì nó không theo bất cứ một qui ước khoa học nào trên thế giới.  Quái gở là vì qui định đó hoàn toàn không có bất cứ một lí do khoa học nào, nếu không muốn nói là phản khoa học.  Làm khoa học là phải sáng tạo.  Ép buộc nhà khoa học đặt tựa đề vào công thức cũng chẳng khác gì ngăn chận sự sáng tạo của nhà khoa học.  Thật ra, qui định trên là một cách hạn chế khoa học Việt Nam.  Nếu tôi phụ trách biên tập một tập san quốc tế và nhận bản thảo công trình khoa học mà tựa đề nói đến nghiên cứu ở một xã nào đó và thời điểm nào đó ở Việt Nam, tôi có thể từ chối ngay, bởi vì điều tôi suy nghĩ đầu tiên là kết quả nghiên cứu này chẳng có tính khái quát hóa cao. Và, suy nghĩ của tôi có thể sai; sai vì tựa đề bài báo làm cho tôi có suy nghĩ đó!

Trước đây, tôi đã có một bài chỉ dẫn về cách đặt tựa đề bài báo khoa học.  Tựa đề bài báo là cái đập vào mắt người đọc đầu tiên.  Vì thế, cần phải cân nhắc cẩn thận khi đặt tựa đề để thu hút sự chú ý của người đọc.  Có vài qui ước tốt để thu hút người đọc, và ở đây tôi xin nhắc lại vài qui ước chính:
  • Không bao giờ dùng những chữ viết tắt;
  • Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ;
  • Không nên đặt tựa đề dài;
  • Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới;
  • Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.
Tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu của ISI.  Chính vì lí do này mà khi đặt tựa đề, tác giả cần phải để ý đến những từ khóa (keywords).  Chẳng hạn như nếu tác giả muốn nhấn mạnh đến một gene cụ thể, thì có thể dùng “Effect of VDR gene polymorphism on …” (hay tương tự).  Không nhất thiết phải có động từ.  Không cần phải đề đối tượng nghiên cứu là nam hay nữ, không cần cung cấp độ tuổi, hay địa điểm nghiên cứu trong tựa đề, vì đây là những chi tiết mà người đọc có thể tìm thấy trong phần phương pháp.  Thật ra, cung cấp những thông tin về đối tượng, thời gian và thời điểm như thế thường thường làm cho bài báo có xác suất được chấp nhận giảm thấp hơn.

Tựa đề cần cụ thể, nhưng phải có một điểm gì đó để “bán” được thông điệp.  Thử xem qua 3 tựa đề sau đây:
1.  Zinc supplementation for growth
2.  Zinc supplementation for growth in preterm infants
3.  Zinc supplementation for growth in preterm infants: a randomized controlled trial
Tựa đề 1 quá chung chung, khó có thể thu hút người đọc.  Tựa đề 2 tốt hơn vì có đối tượng nghiên cứu.  Tựa đề 3 nhấn mạnh “randomized controlled trial” là một tiêu chuẩn vàng để đánh giá một thuật can thiệp, nên dễ gây chú ý hơn tựa đề 1 và 2.

Có thể nói rằng tựa đề bài báo khoa học hay đề cương khoa học là một tuyên ngôn ngắn về công trình nghiên cứu.  Tuyên ngôn đó phải đúc kết từ hàng ngàn câu chữ, và đòi hỏi phải là có tính sáng tạo để viết, chứ không phải viết theo một công thức nào.  Tôi đề nghị nên xóa bỏ qui định đặt tựa đề đề cương nghiên cứu phải theo công thức, vì một qui định như thế chẳng những rất phản khoa học, mà còn khôi hài và thể hiện sự thiếu trưởng thành của khoa học Việt Nam.  Nên xóa bỏ qui định phản khoa học đó.

PS. Hôm nọ, tôi còn biết được một qui định lạ lùng khác nữa: đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ phải làm nghiên cứu can thiệp, như randomized controlled trial (RCT)!  Tôi chưa thấy trên thế giới có qui định nào mà kì lạ như thế.  Nghiên cứu sinh thì làm gì có đủ thì giờ để làm một RCT cho đúng nghĩa?  Thật ra, ngay cả ở các nước tiên tiến ngoài này, chỉ có một số ít giáo sư có tư cách làm nghiên cứu RCT mà thôi, chứ đâu phải ai cũng làm được.  Cố nhiên, ở đây tôi không nói đến những người làm “foot soldier”. Hôm nào rảnh tôi sẽ quay lại “chuyện” này.
(NVT)

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Một số nguyên tắc khi trình bày Power Point và báo cáo

Một số nguyên tắc khi trình bày Power Point báo cáo khoa học

1. Nên dùng font chữ không có chân và Sans Serif như Arial hay Tahoma để khán giả dễ đọc. Những font chữ có chân như Times New Roman hay Courier làm cho khán giả tốn nhiều thời gian hơn để theo dõi.
2. Nên dùng cỡ chữ từ 18 trở lên, vì chữ nhỏ hơn làm cho người có tuổi khó đọc, còn chữ quá lớn thì tốn nhiều không gian.
3. Tránh viết toàn bộ bằng chữ in hoa vì rất khó đọc, và gây ấn tượng là diễn giả đang la hét!
4. Nên chọn chữ tối trên nền sáng cho giảng dạy hay nói chuyện trong giảng đường nhỏ.
5. Nên chọn chữ sáng trên nền tối cho các báo cáo khoa học và trong các giảng đường rộng. Tránh chữ màu xanh lá cây trên nền màu đỏ vì dễ gây “ngộ độc màu” cho người theo dõi.
6. Không nên cho âm thanh chạy theo chữ. Không nên sử dụng hoạt hình quá nhiều, vì nó gây ấn tượng diễn giải là… trẻ con.
7. Không nên nhồi nhét quá nhiều thông tin và hình ảnh trong một slide, vì nó làm giảm sự chú ý và gây lẫn lộn cho diễn giả.
8. Không nên đọc slide! Ðọc slide gây ấn tượng “trả bài” và làm cho người nghe không có hứng thú theo dõi.

Một số yếu tố làm cho người nghe chán

Kết quả nghiên cứu trên 159 khán giả về những yếu tố làm cho người nghe cảm thấy chán và sao lãng vấn đề.


1. Diễn giả đọc slide (60%)
2. Chữ quá nhỏ (51%)
3. Câu dài và không có gạch đầu dòng (48%)
4. Chọn màu khó đọc (37%)
5. Chữ chạy lòng vòng, hoạt cảnh nhiều (25%)
6. Dùng âm thanh đệm vào chữ (22%)
7. Biểu đồ, hình minh hoạ quá phức tạp (22%)

NVT

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Luận án tiến sĩ đạt điểm “rất xuất sắc”


Lê Hữu Quỳnh Anh đã khiến cả hội đồng giám khảo trường ĐH Paris 11 (Pháp) đồng loạt đứng dậy vỗ tay khen ngợi trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ngày 6.12.2010 và nhất trí cho điểm cao nhất.

Quỳnh Anh nghiên cứu về điều chế và ứng dụng các thiết bị bằng phương pháp điện hóa trong việc chẩn đoán mọi bệnh lý, trong đó có cả bệnh ung thư. Đây là một đề tài rất khó và phức tạp vì phải kết hợp nhiều kiến thức chuyên môn về Hóa, Lý, Sinh học và công nghệ Nano - một trong những lĩnh vực khoa học mới hiện nay. Thế nhưng, Quỳnh Anh đã thuyết phục được hội đồng giám khảo gồm 6 vị giáo sư, tiến sĩ của các trường ĐH nổi tiếng ở Pháp, trong đó có trường ĐH danh giá Paris 11 - nơi giáo sư Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm giáo sư toán học vào năm 2004 - đạt kết quả “rất xuất sắc” (très honorable). Quỳnh Anh cho biết để đạt mức độ này, luận án phải không có sai sót nào, quá trình bảo vệ cũng không có chi tiết nào thiếu thuyết phục, người bảo vệ giải quyết được mọi thắc mắc cũng như yêu cầu của hội đồng giám khảo. Và quan trọng nhất là tất cả thành viên hội đồng giám khảo phải cùng thỏa mãn và nhất trí phê duyệt. Đây là điều không phải nghiên cứu sinh nào cũng làm được.

 
 Quỳnh Anh (đeo kính, giữa) cùng thầy cô, bạn bè sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp - Ảnh: nhân vật cung cấp

Lê Hữu Quỳnh Anh sinh năm 1983, từng học khóa song ngữ Việt - Pháp đầu tiên của trường Thực nghiệm sư phạm (TP.HCM). Năm 2001, dù được nhận học bổng du học Pháp tại trường ĐH Nantes, nhưng vì muốn học trường ĐH lớn nên Quỳnh Anh đã thi và giành học bổng vào trường ĐH Paris 11, chuyên ngành Điều chế hóa hữu cơ. Năm 2007, Quỳnh Anh hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiếp tục học tiến sĩ. Trong quá trình học tập, Quỳnh Anh được chủ nhiệm khoa và các thầy cô trong trường đánh giá cao, mời tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học và hội nghị ở các nước khác. Nhớ lại lúc bảo vệ luận án trước những vị giáo sư uyên bác, Quỳnh Anh kể: “Lúc đó tâm trạng của em thật khó tả, thực sự em cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cố gắng làm hết sức mình có thể. Sau đó vài ngày em mới cảm nhận được thành quả của mình, vừa hãnh diện, vừa nhẹ nhõm vì đã bảo vệ thành công đề tài sau thời gian dài nghiên cứu”.

Dù điều kiện ở nước ngoài thuận lợi cho công tác nghiên cứu giảng dạy, nhưng Quỳnh Anh muốn về Việt Nam sống và được giảng dạy, nghiên cứu ở trường ĐH Bách khoa TP.HCM và trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. “Hoặc sẽ làm việc trong những công ty nước ngoài tại Việt Nam để tăng khả năng thích ứng của bản thân và tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm”, Quỳnh Anh chia sẻ.

(Báo Thanh Niên) 

Đột phá mới trong sản xuất giống cây trồng

Anh Cao Đình Hùng - nghiên cứu sinh ở Úc - vừa nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất hạt nhân tạo “Kiểu mới" (“New Type" synthetic seed) mang tính đột phá trong việc nhân giống loại cây gỗ cứng nhiệt đới.

Theo giáo sư Stephen Trueman thuộc khoa Khoa học thực vật tại University of Sunshine Coast (USC - Úc), kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp lẫn môi trường, mở ra trang sử mới trong việc sản xuất các giống cây trồng. Bước đột phá này đã giải quyết được vấn đề tái sinh cây mà các phương pháp nhân bản vô tính thực vật đang gặp khó khăn hoặc không hiệu quả hoặc khó ứng dụng vào thực tế do lúc nào cũng phải thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các ưu điểm của việc nhân bản vô tính thực vật bằng hạt nhân tạo "Kiểu mới" là ứng dụng vào thực tế dễ dàng, thiết lập các cánh rừng mới một cách hiệu quả, đồng thời có thể chuyển giao sản phẩm đến tận tay người nông dân.
Cơ hội phát triển trong nước
Theo anh Hùng, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp xuất khẩu đồ trang trí nội thất làm bằng gỗ và hơn 800 cơ sở chế biến các sản phẩm từ gỗ, nhưng đều phải phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu. Dự báo tổng sản lượng gỗ lâm nghiệp ở nước ta sẽ đạt 44,3 triệu m3 vào năm 2020, hướng tới xuất khẩu gỗ đạt kim ngạch 4 tỉ USD. Vì vậy, nhu cầu chuyển giao công nghệ để đưa giống cây bạch đàn lai năng suất cao trồng ở Việt Nam sẽ vô cùng có lợi cho sự phát triển của lĩnh vực lâm nghiệp và kinh tế.

Đây là công trình khoa học mang tính đột phá trong 30 năm qua, kể từ những năm 1977-1982, khi ý tưởng về sản xuất hạt nhân tạo ra đời. Với phát hiện này, theo USC, ABC News và Sunshine Coast Daily, anh đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới vinh danh.

Đề tài Nghiên cứu sản xuất và cải thiện các giống cây trồng quý hiếm được anh đầu tư từ khi còn học thạc sĩ. Cao Đình Hùng cho biết: “Cây gụ cho gỗ quý hơn cả cây bạch đàn và có thể được dùng để chữa nhiều bệnh như ung thư, sốt rét, tiêu chảy và lị. Loại cây này có thể trồng ở Việt Nam và có giá trị bảo vệ rừng, chống xói mòn, cung cấp gỗ để xây dựng, làm giấy, nhiên liệu hay lá cung cấp tinh dầu... Tuy nhiên, do nhiều người chưa biết những giá trị của nó nên ở Việt Nam chỉ mới được trồng rải rác mà thôi”. Với phương pháp mới, anh dùng các hạt giống tổng hợp/nhân tạo để nhân giống cây bạch đàn, cây gụ. Quá trình xử lý bao gồm cấy chồi cây con vào một hạt làm bằng gel. Sau một thời gian nuôi dưỡng và xử lý trong phòng thí nghiệm, hạt gel này sẽ phát triển chồi, rễ và có thể tự phát triển trong các vườn ươm.

Anh cho biết nếu áp dụng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam thì sẽ làm giảm áp lực rừng tự nhiên và giúp cân bằng sinh thái. Ước tính trong khoảng 4-5 năm (từ khi trồng cây con) là có thể phủ xanh đất trống đồi trọc, và trong vòng 8-10 năm là có thể thu hoạch được gỗ. Cách đây 1 tháng, anh đã gửi hạt nhân tạo đến vườn ươm ở các đồn điền ở phía bắc Queensland trồng để lấy gỗ cho ngành xây dựng.

Sinh năm 1974, Cao Đình Hùng tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Huế với tấm bằng loại giỏi. Cách đây hơn 7 năm, anh nhận được học bổng của Chính phủ Úc (AusAID) học thạc sĩ tại Sydney. Tốt nghiệp thạc sĩ tại trường ĐH Công nghệ Sydney với hạng "First Class" (hạng ưu) kèm theo những công bố khoa học trên tạp chí In vitro-Plants về vi nhân giống và chiết tách thành công chất allyl isothiocyanate chữa bệnh ung thư ở cây dược liệu wasabi, anh được rất nhiều trường danh tiếng ở Anh mời làm tiến sĩ nhưng anh quyết định ở lại Úc để tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu của mình sâu hơn.
(Báo Thanh Niên)

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Tiêu chuẩn đứng tên tác giả bài báo khoa học

Đêm qua, một anh bạn vong niên bên Việt Nam gọi điện qua nói rằng mới đọc bài viết của tôi trên Tia Sáng báo giấy số ra ngày 2/11/2010. Thật ra, bài này thật ra đã đăng trên Tia Sáng online, và sau đó được báo Tuần Việt Nam đăng lại với một tựa đề “giật gân” hơn: Cướp công khoa học và những "con ma tác giả".  Nay tôi lấy về “nhà” để tham khảo và giới thiệu cùng các bạn. Một bài khác nói về một khía cạnh khác cũng đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Anh bạn tôi hỏi về sự việc khám phá insulin cũng là một trường hợp cướp công và đề nghị tôi nói qua vụ này ...
Anh bạn tôi nói chuyện “cướp công” trong khoa học thì xảy ra ở VN nhiều lắm (tôi muốn nói thêm rằng ở ngoài cũng thế thôi).  Nhiều người dùng quyền sếp của mình gây áp lực cho cấp dưới phải để tên họ vào tác giả bài báo khoa học.  Anh hỏi sao không nhắc đến vụ Banting khi nói đến “cướp công” trong khoa học. Thật ra, tôi cũng có đề cập vụ này trong một bài khác.  Nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại câu chuyện khám phá insulin mà có lẽ các bạn chưa biết hay đã quên câu chuyện ...
Năm 1923, hai ông Banting và MacLeod được trao giải Nobel nhờ vào công trình nghiên cứu về insulin.  Giải thưởng này đã bị chất vấn ngay từ lúc Hội đồng Nobel công bố.  MacLeod là giáo sư và trưởng phòng thí nghiệm, nơi mà Banting và một đồng nghiệp trẻ tuổi tên là Charles Best làm việc.   Hai người có công khám phá insulin là Banting và Best (vì lúc đó MacLeod không có mặt trong phòng thí nghiệm vì ông đi công tác xa).  Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có Banting và MacLeod, mà không phải Banting, là người được trao giải!  (Thực ra, sau này Best cũng được tiến cử nhiều lần, nhưng ông không có cơ duyên được trao giải.).
Nói chuyện “lọt sổ” không thể nào bỏ qua chuyện khám phá DNA, đó là trường hợp của ông Oswald T. Avery.  Ông Avery là người đầu tiên khám phá và định nghĩa DNA là một chất liệu di truyền.  Ông công bố khám phá này vào năm 1944.  Trong thời gian từ 1932 đến 1942, Avery đã được tiến cử nhiều lần như không được trao giải.  Kể từ năm 1945, ông được tiến cử hàng năm, nhưng thời gian đó, giới nghiên cứu khoa học chưa chịu nhìn nhận thuyết của Avery vì họ không nghĩ là DNA chỉ đơn giản có 4 mẫu tự mà lại có chức năng “chất liệu di truyền”, họ nghĩ protein mới chính là chất liệu di truyền.  Đến khi (sau này) cộng đồng khoa học chấp nhận ý tưởng của Avery thì ông đã qua đời, và Ủy ban Nobel không có lệ trao giải thưởng cho người đã chết!
Nói chung, vấn đề công trạng trong khoa học là một câu chuyện dài và phức tạp.  Ngày nay, cac tập san y sinh học có qui định cụ thể là mỗi tác giả phải “kể công” mình đóng vai trò gì trong bài báo, để độc giả có thể tự đánh giá họ xứng đáng đứng tên tác giả hay không.  Qui định này xem ra càng ngày càng phổ biến, nhưng có lẽ nó chỉ thành công ở các nước có văn hóa phương Tây, chứ ở Việt Nam hay Trung Quốc thì chắc … hơi khó. :-)
NVT
===
Tiêu chuẩn đứng tên tác giả bài báo khoa học
Một trong những vấn đề tế nhị nhất trong hoạt động khoa học là xác định ai xứng đáng đứng tên tác giả bài báo khoa học.  Vấn đề này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong quá khứ, có thể biến bạn thành thù rất dễ dàng.  Sự kiện đạo văn gần đây ở nước ta lại đặt ra câu hỏi: những tiêu chuẩn để đứng tên tác giả bài báo khoa học là gì. Bài này sẽ trình bày và bình luận chung quan câu hỏi đó.
Một công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thực nghiệm, thường đòi hỏi sự cộng tác của nhiều chuyên gia.  Ngày nay, rất hiếm thấy trường hợp một nhà khoa học thực hiện được một công trình từ A đến Z.  Quá trình tiến bộ của khoa học đòi hỏi một công trình nghiên cứu phải có sự đóng góp của nhiều nhà khoa học với những chuyên ngành khác nhau. Do đó, không phải là ngẫu nhiên khi có những bài báo trong ngành vật lí và y học có đển 500 tác giả, và danh sách tác giả phải in trong một phụ trang.
Trong điều kiện đó, việc đánh giá công trạng của từng tác giả trong bài không phải là việc làm đơn giản.  Không đơn giản là vì việc đứng tên và thứ tự tác giả trong bài báo còn phụ thuộc vào “văn hóa ngành”.  Chẳng hạn như trong ngành y và vật lí, các sếp thường đứng tên sau cùng trong danh sách tác giả, dù đóng góp của họ quan trọng.  Do đó, nếu không hiểu văn hóa ngành thì không thể nào đánh giá được mức độ đóng góp của mỗi tác giả cho công trình khoa học.
Nhưng một vấn đề khó khăn hơn là xác định ai xứng đáng được đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học.  Ở nước ta, vấn đề này có vẻ trầm trọng hơn, nhưng ít khi nào được bàn đến.  Rất nhiều nghiên cứu sinh phàn nàn rằng trong khi họ phải cật lực làm nghiên cứu, các thầy cô lại dành quyền đứng tên tác giả bài báo khoa học.  Một điều khá trớ trêu là dù khoa học giải quyết được rất nhiều vấn đề của nhân loại, nhưng đứng trước vấn đề tác giả thì khoa học có vẻ trở nên … bất lực!  Đối với người ngoài khoa học, người ta tưởng khoa học là một trường dân chủ và khách quan, nhưng trong thực tế thì có khi rất phản dân chủ và hoàn toàn chủ quan, nhất là trong vấn đề tác giả bài báo.
Thế thì một câu hỏi then chốt đặt ra: Trong một công trình nghiên cứu qui mô, ai là người hội đủ tiêu chuẩn đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học?  Trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào, bởi vì câu trả lời, như đề cập trên, còn tùy thuộc vào “văn hóa” làm việc của từng trung tâm nghiên cứu hay trường đại học, tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân (và chủ quan) của các thành viên trong công trình nghiên cứu.  Một công trình nghiên cứu thực nghiệm từ khi phát sinh ý tưởng cho đến khi hoàn tất là cả một dây chuyền liên tục, với sự đóng góp của nhiều thành viên với nhiều chuyên môn khác nhau.  Vì thế, có thể nói bất cứ thành viên nào cũng cảm thấy đóng góp của mình là quan trọng (với suy nghĩ kiểu “không có tôi thì công trình nghiên cứu sẽ không thành công”), nhưng mức độ đóng góp phải khác nhau.  Do đó, việc xác định ai có tư cách đứng tên tác giả đòi hỏi những tiêu chuẩn khách quan.
Tiêu chuẩn
Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học.  Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả.  Theo định nghĩa của ICMJE [4], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây:

  • một là đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện;
  • hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; và
  • ba là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.
Định nghĩa của ICMJE nói cụ thể là những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu không có quyền đứng tên tác giả nếu như không hội đủ ba tiêu chuẩn trên đây [4].
Thật ra, những tiêu chuẩn trên đây cũng vẫn còn khá chung chung, và có thể được diễn dịch khác nhau tùy theo quan điểm của tác giả.  Do đó, Tập san Lancet triển khai 3 tiêu chuẩn trên thành 10 đóng góp cụ thể như sau:

  1. Soạn thảo bài báo: đây là những người viết bản thảo đầu tiên của bài báo, và những người tham gia kiểm tra, biên tập, và viết bản thảo cuối cùng;
  2. Thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng tham gia vào việc thảo luận phương cách tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu.  Có khi một công trình nghiên cứu có nhiều chủ đề khác nhau cần giải quyết, và mỗi bài báo tập trung vào một vấn đề cá biệt.  Trong trường hợp này, người “thiết kế nghiên cứu” có thể kể cả những người đã có công thảo luận về cách chọn dữ kiện, hay chọn đối tượng trong công trình nghiên cứu cho vấn đề cần giải quyết.
  3. Phân tích hay diễn giải dữ kiện: là những người tham gia vào việc phân tích dữ kiện, và diễn giải những kết quả phân tích.  Hai chữ “phân tích” ở đây phải được hiểu rộng hơn, bao gồm các đóng góp chung về những chỉ tiêu lâm sàng để nghiên cứu và chiến lược phân tích, chứ không theo nghĩa hẹp là phân tích số liệu.
  4. Thu thập dữ kiện: là những người đã tham gia vào việc thiết kế các phương tiện và trực tiếp thu thập dữ kiện, như bác sĩ phỏng vấn bệnh nhân, đo lường áp suất máu, v.v…
  5. Điều hợp công trình nghiên cứu: là những người trực tiếp quản lí công trình nghiên cứu.
  6. Phân tích lâm sàng: là những người trực tiếp tham gia vào việc chẩn đoán bệnh tật, hay diễn giải các các chỉ tiêu lâm sàng trong công trình nghiên cứu.
  7. Phân tích cơ bản: là những người trực tiếp tham gia vào việc đo lường các chỉ tiêu lâm sàng trong phòng thí nghiệm, như phân tích cholesterol, ước tính CD4, mật độ chất khoáng trong xương, v.v…
  8. Phân tích thống kê: là những người trực tiếp tham gia vào việc phân tích các số liệu bằng các phương pháp thống kê.  Thường thường đây là những nhà thống kê học.
  9. Cố vấn về thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng cố vấn trong việc tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu.  Thường thường đây là những chuyên gia về thống kê học.
  10. Quản lí dữ kiện: trong các công trình nghiên cứu lớn, số lượng dữ kiện thu thập rất đồ sộ, và nhu cầu cho việc quản lí dữ kiện cũng rất lớn.  Do đó, những người có công quản lí database cũng được ghi nhận.  Thông thường đây là những chuyên gia vi tính.
Nhưng trong thực tế không một tác giả nào có thể hội đủ 10 điều kiện trên.  Vì thế, một “thỏa thuận” chung là: tác giả bài báo khoa học phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn của ICMJE, nhưng họ phải tự mô tả cụ thể là họ đã đóng vai trò gì trong bài báo hay trong công trình nghiên cứu, dựa vào 10 đóng góp trên đây.
Trên nguyên tắc là như thế, nhưng còn trong thực tế thì sao?  Trong thực tế, có người chỉ có một đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên cũng đứng tên tác giả bài báo!  Và thực tế này làm cho nhiều người quan tâm.  Thật vậy, vấn đề tác giả bài báo khoa học đã và đang (và có thể sẽ) là một vấn đề được nhiều người trong giới khoa học, kể cả biên tập của các tập san khoa học, quan tâm.  Theo một phân tích công bố trên tập san JAMA vào năm 1998, các nhà nghiên cứu điểm qua tất cả các bài báo trên 6 tập san y học lớn nhất và phát hiện một số sự thật không mấy tích cực: 19% các bài báo có những “tác giả danh dự” (honorary authors, tức là các tác giả có tên trong bài báo mà không đáp ứng các tiêu chuẩn để đứng tên tác giả); 11% có hiện tượng “tác giả ma” (ghost authors, tức là những người có cống hiến quan trọng đáng lẽ xứng đáng đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong danh sách tác giả) [1].  Trong một phân tích công phu 1068 bài báo công bố trên tập san Radiology từ năm 1998 đến 2000, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho thấy gần 1 phần 3 các tác giả có tên trong các bài báo này không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả [2].
Trong một phân tích khác, tác giả tập trung vào các bài báo trên tập san quang tuyến học Roentgenology, và muốn biết có bao nhiêu tác giả có tên trong các bài báo khoa học nhưng không xứng đáng [2].  Tác giả phát hiện trong những bài báo có 3 tác giả, có khoảng 9% tác giả không xứng đáng có tên; và trong những bài báo có 6 tác giả trở lên, có khoảng 30% tác giả không xứng đáng có tên trong bài báo!  Ai là những tác giả không xứng đáng này?  Theo nhà nghiên cứu, họ là những bác sĩ cung cấp bệnh nhân cho nghiên cứu (29%), những người có quyền thế có thể gây khó khăn cho các tác giả khác (40%).  Ngoài ra, chỉ có 80% bài báo mà bản thảo được tất cả các tác giả đọc; nói cách khác, có đến 20% bài báo mà có khi tác giả có tên nhưng chẳng bao giờ đọc qua [3].
Vị trí của tác giả
Như nói trên, nghiên cứu khoa học ngày nay là một công trình của một tập thể.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy khoảng 50% các bài báo khoa học trên các tập san y học có 5 tác giả trở lên.  Vấn đề đặt ra là cách sắp xếp thứ tự trong danh sách tác giả của bài báo phải như thế nào để phản ánh công trạng của thành viên tham gia trong công trình nghiên cứu.  Trên nguyên tắc, thứ tự tác giả phải dựa vào mức độ đóng góp của tác giả.  Người có đóng góp nhiều nhất hay quan trọng nhất phải là tác giả số 1; người có công quan trọng kế tiếp phải là tác giả số 2, vân vân.
Thế nhưng trong thực tế thì sự việc không xảy ra như trên lí thuyết.  Cái khó khăn chính là không có cách nào để đo lường đóng góp của tác giả một cách đáng tin cậy và khách quan.  Chẳng hạn như rất khó mà phân biệt một “đóng góp quan trọng” (major contribution) và “đóng góp một phần” (partial contribution).  Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc phân biệt cũng không mấy khó khăn.  Ví dụ như đề xuất mô hình và tiến hành phân tích dữ kiện và diễn giải kết quả phân tích là một “đóng góp lớn” (bởi vì điều này đòi hỏi một khả năng chuyên môn cao), nhưng phân loại nguyên nhân tử vong thì đó là một đóng góp nhỏ (vì nó tương đương với một việc làm hành chính) dù rất tốn thì giờ.
Theo kinh nghiệm của người viết bài này, trong lĩnh vực nghiên cứu y học, các tác giả đầu (số 1) thường là những nghiên cứu sinh hay những người có đóng góp nhiều nhất cho bài báo và công trình nghiên cứu, và trong trường hợp tác giả số 1 là nghiên cứu sinh, tác giả số 2 thường là thầy cô hay người hướng dẫn của nghiên cứu sinh, và tác giả sau cùng có thể là người đứng đầu của nhóm nghiên cứu hay người có đóng góp ít nhất.  Còn những người còn lại thì có thể là những người có ít nhiều đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên.  Nhưng như đề cập trên, trong thực tế cũng có nhiều tác giả có tên trong danh sách chỉ là tác giả danh dự, chứ chẳng có đóng góp gì vào công trình nghiên cứu, hay có đóng góp nhưng mức độ công trạng không xứng đáng là một tác giả.
Trong một nghiên cứu công bố trên Tập san Annals of Internal Medicine [5], Yank và Rennie thẩm định 115 bài báo công bố trên Tập san Lancet từ tháng 7/1997 đến 12/1997, với 785 tác giả (tính trung bình khoảng 7 tác giả trên một bài báo).  Trong số 115 bài báo này, khi đối chiếu lại với 3 tiêu chuẩn “vàng” của ICMJE, chỉ có 56% các tác giả hội đủ 3 tiêu chuẩn mà thôi!  Nói cách khác, có đến 44% các tác giả có tên trong bài báo nhưng không hội đủ 3 tiêu chuẩn của ICMJE.  Khi phân tích theo thứ tự tác giả, số lượng tác giả hội đủ cả 3 tiêu chuẩn như sau: tác giả số 1 (71%), tác giả 2 (60%), tác giả 3 (47%), tác giả chót (69%).  Như vậy có khoảng 40% đến 53% các tác giả thứ 2 và thứ 3 không hội đủ3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả.  Ngay cả trong cách tác giả số 1, có đến gần 30% không hội đủ 3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả!
Như đã trình bày trên, bản chỉ dẫn của ICMJE đặc biệt nhấn mạnh rằng những người có công trong việc thu thập dữ kiện, giám thị hay người hướng dẫn, và tìm nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu không đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu không hội đủ 3 điều kiện chính.  Thế nhưng trong thực tế, rất ít ai tuân thủ theo chỉ dẫn này!  Phân tích của V. Yank và D. Rennie cho biết có đến35% tác giả là những người tham gia thu thập dữ kiện nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; 36% tác giả là những người giám thị nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; và 8% tác giả là những người có công tìm nguồn tài trợ nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện.
Khi phân tích theo 10 tiêu chuẩn phụ, Yank và Rennie cho thấy tác giả số 1 và tác giả chót thường là những người trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo bài báo; ngược lại, tác giả số 2 và số 3 thường là những người đã làm công tác phân tích thống kê và quản lí số liệu (xem bảng thống kê số 1).  Các phân tích này cho thấy dù một bài báo có nhiều tác giả, nhưng trong thực tế chỉ có 3 hay bốn tác giả (số 1, 2, 3 và tác giả chót) là có đóng góp đáng kể mà thôi, phần còn lại có thể nói chỉ là những “tác giả danh dự” hay tác giả không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả.
Vài nhận xét
Cụm từ “tác giả” là dịch từ chữ “Author” trong tiếng Anh, và từ Author có nguồn gốc Latin là “Auctor” có nghĩa nguyên thủy là người có uy tín hay người có thẩm quyền.  Đứng tên tác giả một bài báo khoa học, hiểu theo nghĩa này, cũng có đồng nghĩa với tạo cho mình một uy tín và thẩm quyền, và quan trọng hơn hết là phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các phát biểu trong bài báo.  Về mặt cá nhân nhà nghiên cứu, đứng tên tác giả trong bài báo khoa học không chỉ là một phần thưởng, mà còn là viên gạch quí báu để xây dựng sự nghiệp.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người tranh đua nhau, thậm chí gây hấn nhau, để đứng tên tác giả một bài báo.
Như vừa trình bày, trong thực tế, có rất nhiều tác giả không xứng đáng và không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả nhưng lại có tên trong bài báo.  Ngược lại, cũng có nhiều người mà mức độ cống hiến đáng lẽ hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong bài báo và trở thành những “tác giả ma” – ghost authors!  Điều này dẫn đến một hệ quả là có nhiều tác giả có tên trong bài báo mà không hề biết gì về nội dung của bài báo!  Tôi từng xem lí lịch khoa học của một số nhà khoa học “lớn” với 500 đến 700 bài báo khoa học, nhưng khi tôi hỏi một vài bài một cách ngẫu nhiên, tác giả chỉ cười cho biết đó là công trình hợp tác với người khác, không nhớ thậm chí không biết viết gì trong đó!  Nói cách khác, họ có tên trong bài báo nhưng chẳng quan tâm đến nội dung bài báo, và tỏ ra vô trách nhiệm trước công chúng.  Rất tiếc, đây là một tình trạng rất phổ biến ngày nay.
Ngay cả vị trí của tác giả trong bài báo cũng không phản ánh chính xác mức độ cống hiến của tác giả.  Nhưng nói chung, chỉ có tác giả số 1, 2, 3 và tác giả chót là những người thực sự có đóng góp quan trọng cho bài báo.  Một trong những nguyên nhân cho tình trạng này là vì các trung tâm nghiên cứu và đại học không có một chính sách cụ thể để các nhà nghiên cứu dựa vào đó mà phân nhiệm.  Trong vài trường hợp, nếu có chính sách, thì các nhà nghiên cứu lại không đồng ý về việc thi hành.  Có người cho rằng các bác sĩ thu thập dữ kiện hay các “sếp” của nhóm nghiên cứu nhất định phải có tên trong bài báo dù họ chẳng biết bài báo nói về vấn đề gì!  Họ lí giải rằng nếu không có họ thì công trình nghiên cứu sẽ không bao giờ thành công được.  Thế nhưng cách biện minh này nhầm lẫn giữa tri thức khoa học và công tác hành chính.  Một bài báo khoa học chỉ quan tâm đến khoa học, chứ không phải hành chính.  Theo qui định hiện hành, họ phải được ghi nhận trong phần cảm tạ của bài báo, chứ không thể là tác giả được.  Thế nhưng nếu tác giả đứng bài báo đầu là một nghiên cứu sinh thì tác giả chắc chắn sẽ không dám cãi lại “lệnh” của sếp và việc sếp cho tên trong bài báo trở thành một thông lệ, một thông lệ mà ai cũng biết là thối nát.
Năm 1943, Albert Schatz là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi với một sứ mệnh tìm cho được thuốc để điều trị bệnh lao.  Sau vài năm làm việc cật lực, Schatz khám phá thuốc kháng sinh streptomycin và là tác giả của một bài báo khoa học về khám phá này.  Sếp và cũng là người hướng dẫn luận án của Schatz là Selman Waksman, bắt đầu dành công trạng về phía mình, bằng cách làm một cuộc vận động trong giới khoa học rằng ông là người khám phá ra streptomycin và không đề cập gì đến người nghiên cứu sinh của mình!  Trong khi Waksman ngấm ngầm dành công trạng, cậu học trò Schatz hoàn toàn không hay biết gì cả, vì trong thực tế, cả Schatz và Waksman cùng kí tên trong bằng sáng chế (patent) streptomycin.  Nhưng sau vài năm, Schatz mới biết được rằng Waksman đã bí mật kí một hợp đồng và bán bản quyền sáng chế (với một số tiền lớn) cho một công ti dược lớn, và trong hợp đồng này không có tên của Schatz!  Schatz kiện Waksman ra tòa, và phán quyết công ti dược phải trả tiền sáng chế cho Schatz.  Tuy nhiên, với vị thế của mình, vận động của Waksman đã thành công mĩ mãn: ông ta được trao giải thưởng Nobel vào năm 1952 vì “có công khám phá streptomycin.”  Ủy ban Nobel chẳng biết đến Schatz bao giờ và do đó công trạng của anh ta không hề được ghi nhận.  Công trạng của Schatz chỉ mới được tái phát hiện khi giới sử học xem lại quá trình khám phá thuốc kháng sinh quan trọng này [6].
Trong nhiều trung tâm nghiên cứu, thông thường các vị giám thị hay sếp trung tâm tự nhiên ghi tên mình trong các bài báo khoa học do nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu dưới quyền trực tiếp làm.  Nếu các vị này thực sự có cống hiến quan trọng về ý tưởng, thu thập dữ kiện, phân tích, diễn giải và soạn thảo bài báo, thì cũng không có gì sai trong “thông lệ” này.  Nhưng có nhiều trường hợp, các sếp chẳng có cống hiến gì đáng kể cho công trình nghiên cứu, ngoài việc thảo luận đôi ba lần về nghiên cứu và đọc qua bản thảo bài báo, lại có tên trong bài báo, và đó mới là vấn đề cần quan tâm.  Có một số trường hợp tệ hại hơn nữa là nghiên cứu sinh chỉ đứng tên trong phần “Cảm tạ”!
Mặc dù “tập quán” các sếp đứng tên tác giả trong bài báo của các nhà nghiên cứu dưới quyền rất phổ biến, rất nhiều nạn nhân (phần lớn là nghiên cứu sinh) không dám thốt lời phàn nàn, mà chỉ than thở với các nạn nhân khác, vì sợ bị trả thù và trù dập.  Một số thì giữ “thái độ Hàn Tín”, “nín thở qua sông”, chờ lấy cho được học vị tiến sĩ rồi kiếm chỗ khác làm việc.  Khi phàn nàn trên các phương tiện truyền thông công cộng, các nạn nhân cũng không dám kí tên thật.  Chẳng hạn như một lá thư từ một nghiên cứu sinh trên tờ nhật báo The Australian viết: "Nhiều nhà khoa học cấp cao hoặc ăn cắp ý tưởng của nghiên cứu sinh, hoặc không cho phép nghiên cứu có tên trong các bài báo quan trọng.  Tôi cảm thấy đây là một hình thức đạo văn một cách xảo quyệt, nhưng tiếc thay hình thức này không phải là mới.  Đề bạt trong nghiên cứu dựa vào công trạng trong nghiên cứu, tức là bài báo khoa học đã công bố; tuy nhiên nếu có một nhà nghiên cứu trẻ nào đó dám lên tiếng về tình trạng này, thì tương lai của nhà nghiên cứu đó sẽ là một ngõ cụt." [7].
Cái lực đằng sau của hiện tượng “cướp công” trên là tình trạng bất bình đẳng trong quyền lực khoa học.  Những câu chuyện về bóc lột tri thức phát sinh ở bất cứ nơi nào mà các sếp và giáo sư giữ một vai trò mang tính quyết định tương lai của nghiên cứu sinh hay nhà khoa học dưới cấp.  Trong cơ cấu bất bình đẳng như thế, vấn đề tác giả và tác quyền là một đề tài cấm kị.
Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ?  Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:

  • Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;
  • Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;
  • Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải nhất trí trước khi tiến hành nghiên cứu.
  • Mỗi tác giả phải mô tả đóng góp của mình cho công trình khoa học, để qua đó độc giả có thể đánh giá công trạng của từng tác giả.
Đứng tên tác giả một bài báo khoa học là một vinh dự, và góp phần làm nên sự nghiệp cũng như uy tín của nhà khoa học.  Thật vậy, khả năng thành công trong xét duyệt xin đề bạt chức danh khoa bảng, xin tài trợ cho nghiên cứu phụ thuộc một phần lớn vào bài báo khoa học. Nhưng đứng tên tác giả bài báo khoa học còn có nghĩa là nhận lãnh nghĩa vụ, chịu trách nhiệm về nội dung của công trình nghiên cứu. Những người không có khả năng bảo vệ công trình nghiên cứu hay không đồng ý với những quan điểm / phát biểu trong công trình nghiên cứu thì không nên đứng tên tác giả công trình đó.  Một khi một công trình nghiên cứu đã công bố thì công trình đó sẽ được đồng nghiệp quốc tế xăm soi, và tác giả phải có trách nhiệm giải thích cho đồng nghiệp trên thế giới, chứ không thể làm ngơ được.  Thiết nghĩ qua vụ việc đạo văn vừa xảy ra là một cơ hội để chấn chỉnh lại qui định đứng tên tác giả bài báo khoa học và đảm bảo tính liêm chính của khoa học nước ta.
Chú thích:
[1] Flanagin A, et al. Prevalence of articles with honorary authors and ghost authors in peer-reviewed medical journals.  JAMA 1998; 280:222-224.
[2]  Hwang SS, et al.  Researcher contributions and fulfillment of ICMJE authorship criteria.  Radiology 2003; 226:16-23.
[3]  Stone RM.  American Journal of Roentgenology 1996; 167:571-9.  Hơn phân nửa các bài báo khoa học công bố trên tập san American Journal of Roentgenology có hơn 5 tác giả.
[4]  International Committee of Medical Journal Editors.  Uniform requirements for manuscripts submitted to biomedical journals.  JAMA 1997; 3/4277:927-34.  http://www.icmje.org.
[5]  Yank V, Rennie D. Disclosure of researcher contributions: a study of original research articles in the Lancet.  Ann Int Med 1999; 130:661-70.
[6]  Frank Ryan, Tuberculosis: The Greatest Story Never Told (Worcestershire: Swift, 1992); Albert Schatz, "The true story of the discovery of streptomycin," Actinomycetes, Vol. 4, Part 2, 1993, pp. 27-39.
[7]  Kerryn Robinson, "Few rewards for science graduates" (letter), Australian, 21 January 1997, p. 12.
Bảng 1.  Đóng góp trong một các báo khoa học trên tập san Lancet: phần trăm đóng góp

Đóng góp Tác giả số 1 Tác giả số 2 Tác giả số 3 Tác giả chót
1. Soạn thảo bài báo 83.5 67.3 54.3 80.0
2. Thiết kế nghiên cứu 58.3 44.5 38.1 52.2
3. Phân tích hay diễn giải dữ kiện 51.3 38.2 25.7 32.2
4. Thu thập dữ kiện 27.0 27.3 25.7 13.9
5. Điều hợp công trình nghiên cứu 42.6 14.5 15.2 17.4
6. Phân tích lâm sàng 11.3 14.5 19.0 11.3
7. Phân tích cơ bản 7.0 12.7 12.4 9.6
8. Phân tích thống kê 8.7 11.8 12.4 7.0
9. Cố vấn về thiết kế nghiên cứu 7.0 10.9 8.6 15.7
10. Quản lí dữ kiện 5.2 10.9 11.4 1.7
Nguồn: Yank and Rennie, Annals of Internal Medicine 1999; 130:661-70.  Chẳng hạn như con số 83.5% trong cột “Tác giả 1” có nghĩa là 83.5% bài báo là do tác giả 1 soạn thảo.

NVT

Một vài điều lưu ý khi viết phần tóm tắt khóa luận

Một KL gồm có những phần sau đây: dẫn nhập (introduction), phương pháp (methods), kết quả (results), và thảo luận (discussion).  Cấu trúc này được gọi tắt là cấu trúc IMRAD.  Tuy nhiên, mỗi KL lúc nào cũng có phần tóm lược (abstract) để — như tên gọi — tóm tắt các khía cạnh chính của một công trình nghiên cứu.
Tóm lược (Abstract)
Có 2 loại tóm lược: không có tiêu đề và có tiêu đề.  Loại tóm lược không có tiêu đề là một đoạn văn duy nhất tóm tắt công trình nghiên cứu.  Loại tóm lược có tiêu đề — như tên gọi – là bao gồm nhiều đoạn văn theo các tiêu đề sau đây: Background, Aims, Methods, Outcome Measurements, Results,  Conclusions. Tuy nhiên, dù là có hay không có tiêu đề, thì một bản tóm lược phải chuyển tải cho được những thông tin quan trọng sau đây:
Câu hỏi và mục đích của nghiên cứu.  Phần này phải mô tả bằng 2 câu văn.  Câu văn thứ nhất mô tả vấn đề mà tác giả quan tâm là gì, và tình trạng tri thức hiện tại ra sao.  Câu văn thứ hai mô tả mục đích nghiên cứu một cách gọn nhưng phải rõ ràng.
Phương pháp nghiên cứu.  Cần phải mô tả công trình nghiên cứu được thiết kế theo mô hình gì, đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đâu và đặc điểm của đối tượng, phương pháp...  Phần này có thể viết trong vòng 4-5 câu văn.
Kết quả.  Trong phần này, tác giả trình bày những kết quả chính của nghiên cứu, kể cả những số liệu có thể lấy làm điểm thiết yếu của nghiên cứu.  Nên nhớ rằng kết quả này phải được trình bày sao cho trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra từ câu văn đầu tiên.
Kết luận.  Một hoặc 2 câu văn kết luận và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu.  Có thể nói phần lớn độc giả chú tâm vào câu văn này trước khi họ đọc các phần khác, cho nên tác giả cần phải chọn câu chữ sao cho “thuyết phục” và thu hút được sự chú ý của độc giả trong 2 câu văn quan trọng này.
Nếu tựa đề bài báo phát biểu về nội dung của công trình nghiên cứu, thì bảng tóm lược cho phép bạn mô tả chi tiết hơn nội dung của công trình nghiên cứu.  Độ dài của bảng tóm lược thường chỉ 200 đến 300 từ (tùy theo qui định).  Bảng tóm lược giúp người đọc nên đọc tiếp bài báo hay bỏ qua bài báo.  Do đó, tác giả cần phải cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, nhưng có dữ liệu (chứ không phải chỉ hứa suông) và đi thẳng vào vấn đề (chứ không phải viết lòng vòng).  Tác giả phải chọn từ ngữ rất cẩn thận để phản ảnh một cô đọng những điều mình muốn chuyển tải đến cộng đồng khoa học.
Sau đây là một bản tóm lược tiêu biểu có tiêu đề (bài viết của NVT, 2010).  Bài báo này trình bày một công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa các thành phần cơ thể (mỡ, nạc, xương) ở một nhóm phụ nữ Việt Nam sau mãn kinh (LT Ho-Pham, et al. Contributions of lean mass and fat mass to bone mineral density: a study in postmenopausal women. BMC Musculoskeletal Disorders 2010, 11:59).  Bản tóm lược có 4 tiêu đề: dẫn nhập, phương pháp, kết quả và kết luận. Phần dẫn nhập chỉ tóm gọn trong 2 câu văn, với câu đầu nêu vấn đề vẫn còn trong vòng tranh cãi, và câu 2 phát biểu về giả thuyết và mục đích của nghiên cứu.  Phần phương pháp mô tả số phụ nữ tham gia, độ tuổi, nơi nghiên cứu, phương pháp đo lường, và phương pháp phân tích.  Phần kết quả đi thẳng vào kết quả chính với những con số cụ thể.  Đương nhiên, những con số này sẽ được lặp lại chi tiết hơn trong bài báo.  Phần kết luận chỉ một câu văn có tính cách trả lời câu hỏi nghiên cứu.

Background

The relative contribution of lean and fat to the determination of bone mineral density (BMD) in postmenopausal women is a contentious issue. The present study was undertaken to test the hypothesis that lean mass is a better determinant of BMD than fat mass.

Methods

This cross-sectional study involved 210 postmenopausal women of Vietnamese background, aged between 50 and 85 years, who were randomly sampled from various districts in Ho Chi Minh City (Vietnam). Whole body scans, femoral neck, and lumbar spine BMD were measured by DXA (QDR 4500, Hologic Inc., Waltham, MA). Lean mass (LM) and fat mass (FM) were derived from the whole body scan. Furthermore, lean mass index (LMi) and fat mass index (FMi) were calculated as ratio of LM or FM to body height in metre squared (m2).

Results

In multiple linear regression analysis, both LM and FM were independent and significant predictors of BMD at the spine and femoral neck. Age, lean mass and fat mass collectively explained 33% variance of lumbar spine and 38% variance of femoral neck BMD. Replacing LM and FM by LMi and LMi did not alter the result. In both analyses, the influence of LM or LMi was greater than FM and FMi. Simulation analysis suggested that a study with 1000 individuals has a 78% chance of finding the significant effects of both LM and FM, and a 22% chance of finding LM alone significant, and zero chance of finding the effect of fat mass alone.

Conclusions

These data suggest that both lean mass and fat mass are important determinants of BMD. For a given body size — measured either by lean mass or height — women with greater fat mass have greater BMD.
Bản tóm lược dưới đây là một abstract tiêu biểu không có tiêu đề (LT Ho-Pham, et al.  Similarity in percent body fat between white and Vietnamese women: implication for a universal definition of obesity.  Obesity 2010; 18:1242-6).  Toàn bộ bản tóm lược chỉ là một đoạn văn.  Nhưng nếu chú ý kĩ sẽ thấy những thông tin được trình bày trong abstract tuân thủ theo cấu trúc IMRAD.  Phần dẫn nhập gồm 2 câu văn: câu đầu tiên nêu vấn đề nghiên cứu; câu thứ hai phát biểu mục đích nghiên cứu.  Các câu kế tiếp mô tả phương pháp nghiên cứu, kết quả, và kết luận.
It has been widely assumed that for a given BMI, Asians have higher percent body fat (PBF) than whites, and that the BMI threshold for defining obesity in Asians should be lower than the threshold for whites. This study sought to test this assumption by comparing the PBF between US white and Vietnamese women. The study was designed as a comparative cross-sectional investigation. In the first study, 210 Vietnamese women ages between 50 and 85 were randomly selected from various districts in Ho Chi Minh City (Vietnam). In the second study, 419 women of the same age range were randomly selected from the Rancho Bernardo Study (San Diego, CA). In both studies, lean mass (LM) and fat mass (FM) were measured by dual-energy X-ray absorptiometry (DXA) (QDR 4500; Hologic). PBF was derived as FM over body weight. Compared with Vietnamese women, white women had much more FM (24.8 +/- 8.1 kg vs. 18.8 +/- 4.9 kg; P or=30, 19% of US white women and 5% of Vietnamese women were classified as obese. Approximately 54% of US white women and 53% of Vietnamese women had their PBF >35% (P = 0.80). Although white women had greater BMI, body weight, and FM than Vietnamese women, their PBF was virtually identical. Further research is required to derive a more appropriate BMI threshold for defining obesity for Asian women.

Một vài điều lưu ý khi đặt tựa đề cho công trình nghiên cứu

Mục tiêu số 1 của việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp là truyền đạt thông tin về một vấn đề khoa học đến các đồng nghiệp, và tường trình những phương pháp hay cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Một quyển báo cáo kết quả nghiên cứu đặt trên kệ trong thư viện là phương tiện để các nhà khoa học trẻ chuyển tải thông tin.  Báo cáo được viết theo một cấu trúc đặc thù mà sinh viên phải tuân theo. Do đó, để thành công trong khoa học, nhà khoa học phải nắm được kĩ năng viết báo cáo. 
Tựa đề bài báo
Tựa đề được viết trên trang đầu của một bài báo, ở vị trí trung tâm.  Chúng ta muốn tựa đề khóa luận (KL) phải “bắt mắt” người đọc (sinh viên các khóa sau), cho nên cần phải đầu tư một chút hời gian vào việc chọn chữ và chiến lược chọn tên cho KL.  Tựa đề không nên quá ngắn, nhưng cũng không nên quá dài, mà phải nói lên được nội dung chính của nghiên cứu.  Nếu tựa đề không nói lên được nội dung KL, độc giả sẽ không chú ý đến công trình nghiên cứu, và chúng ta mất người đọc.  Để có một tựa đề sáng tạo, tôi đề nghị các bạn nên tuân thủ hay ít ra là xem xét đến một số khía cạnh sau đây:
Không bao giờ sử dụng viết tắt.  Nên nhớ rằng nhiều người ngoài lĩnh vực chuyên môn đọc KL của bạn, và viết tắt có thể làm cho họ khó chịu vì họ không quen hay không biết đến những chữ viết tắt chuyên ngành.
Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ. Tựa đề nghịch ló và mơ hồ rất nguy hiểm, vì nó biểu hiện nghiên cứu của bạn chẳng giải quyết được vấn đề gì, hay chẳng có câu trả lời gì, và do đó người đọc có thể nghĩ sẽ rất phí thì giờ để đọc KL.
Không nên đặt tựa đề dài.  Tựa đề KL không nên dài hơn 20 từ.  Tựa đề dài có thể làm cho người đọc mất chú ý. 
Tựa đề KL nên có yếu tố mới.  Yếu tố mới lúc nào cũng có hiệu quả thu hút sự chú ý của người đọc.  Chẳng hạn như tựa đề “Nghiên cứu đặc điểm hình thái học của một họ ruồi mới Syrphidae (Diptera)” chắc được nhiều người chú ý hơn là tựa đề “Nghiên cứu đặc điểm hình thái học của một họ ruồi Syrphidae (Diptera)”
Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.  Những tựa đề này làm cho người đọc … bực mình.  Trong khoa học, không có một cái gì xác định và chắc chắn.  Chúng ta không thể nào chứng minh một giả thuyết, tức là nói đến chân lí. Đây là một cách viết thể hiện sự thiếu hiểu biết khoa học của tác giả.  Nhà khoa học là người đi tìm chân lí, chứ không phải đã tìm được chân lí.
Vì tựa đề KL được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu của thư viện, nên khi đặt tựa đề cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Phần lớn những cơ sở dữ liệu dùng tiêu đề và tựa đề làm thuật ngữ tìm kiếm.  Chẳng hạn như bài báo với tựa đề “Nghiên cứu đặc điểm hình thái học của một họ ruồi mới Syrphidae (Diptera)” sẽ được phân loại dưới thuật ngữ “hình thái học/morphology”, “ruồi/fly”, “Syrphidae”, và “Diptera”. Và cũng nên chú ý là việc phân từ khóa còn phụ thuộc vào kỹ năng nghiệp vụ của người nhập dữ liệu trong thư viện chứ không phải là theo theo ý bạn!
Tựa đề KL thường phải qua nhiều lần chỉnh sửa. Đến khi bảo vệ đề cương, có thể phải sửa lại một lần nữa theo đề nghị của hội đồng phản biện. Với kinh nghiệm bản thân, khi tiêu đề KL của bạn chứa tên khoa học của một loài thì tốt nhất phải chứa đủ 4 thành tố trong tên đó, bao gồm: tên chi, tên loài, tác giả đặt tên loài, năm đặt tên loài. Như thế là đầy đủ nhất.